Đào tạo nội bộ (Train the Trainer) đang trở thành xu hướng đào tạo mới tại các doanh nghiệp. So với các mô hình đào tạo khác, phương pháp này giúp phát triển nhân viên tốt hơn, tạo điều kiện để họ nắm kiến thức nhanh và lưu giữ thông tin lâu hơn.
Train the Trainer là gì?
Đào tạo nội bộ (Train the Trainer) là mô hình đào tạo doanh nghiệp – trong đó, một đội nhóm nhân viên (thường là quản lý cấp trung trở lên) sẽ tham gia đào tạo về một kỹ năng chuyên môn cụ thể (ví dụ: kỹ năng điều hành cuộc họp…). Tuy nhiên, mục đích chính không chỉ đơn thuần là phát triển kỹ năng cho những cá nhân này – mà để họ có thể đóng vai trò hướng dẫn (trainer/ mentor) cho các thành viên còn lại của đội nhóm/ tổ chức.
Duy trì lợi thế cạnh tranh là nhiệm vụ hàng đầu của doanh nghiệp. Để đảm bảo đạt được mục tiêu này, công tác đào tạo và phát triển (training and development) cần được quan tâm đầu tư đặc biệt trong chiến lược tổ chức.
9 lợi ích của mô hình Train the Trainer
Tính ưu việt của mô hình đào tạo giảng viên nội bộ (Train the Trainer) là khả năng “nhân rộng” kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ nhân viên – với tốc độ và hiệu quả vượt trội hơn hẳn so với các phương pháp đào tạo truyền thống. Thay vì phải thuê trainer từ bên ngoài, doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực người lao động – bằng cách sử dụng ngay chính các nguồn lực nội bộ. Ngoài ra, hoạt động đào tạo cấp quản lý cũng rất hữu ích đối với sự phát triển chuyên môn của các bên liên quan.
Sau đây là tổng hợp 9 lợi ích chính của mô hình Train the Trainer.
1. Tiết kiệm chi phí
Như đã đề cập phía trên, việc phát triển năng lực đào tạo cho đội ngũ quản lý – để sau đó họ tổ chức hướng dẫn nội bộ – sẽ ít tốn kém hơn hẳn so với việc thuê đơn vị training tổ chức nhiều buổi đào tạo đơn lẻ cho doanh nghiệp.
2. Thống nhất trong chương trình đào tạo
Mô hình đào tạo nội bộ đảm bảo tính thống nhất về tài liệu và phương pháp giảng dạy trong doanh nghiệp. Vì lý do này, đây là lựa chọn cực kỳ pù hợp với các tập đoàn lớn, cần liên tục tổ chức training. Bên cạnh đó, định dạng chuẩn hóa cũng tạo điều kiện đo lường và so sánh hiệu suất từng nhóm đào tạo.
3. Lợi thế từ giảng viên nội bộ
Trong hầu hết doanh nghiệp, nhân viên thường có xu hướng tìm kiếm lời khuyên từ đồng nghiệp của họ – những người họ đã quen thuộc và tin tưởng – hơn là từ các chuyên gia bên ngoài, ngay cả khi những người này có rất nhiều kinh nghiệm.
4. Phù hợp khi cần phổ biến thông tin nhanh chóng
Sau khi hoàn thành khóa Train the Trainer ban đầu, các trainer nội bộ mới có thể ngay lập tức tổ chức hướng dẫn cho đồng nghiệp của họ. Điều này sẽ đặc biệt hữu ích khi cần đưa ra các sáng kiến thay đổi cho cả tổ chức.
5. Tinh chỉnh nội dung học tập
Trainer nội bộ có lợi thế là hiểu biết sâu sắc về môi trường và văn hóa doanh nghiệp – cũng như sản phẩm/ dịch vụ cung cấp và nhu cầu của khách hàng. Trên cơ sở này, họ sẽ có thể điều chỉnh nội dung đào tạo phù hợp với nhu cầu cụ thể của trainee.
6. Phát triển chuyên môn của trainer
Giảng dạy là phương pháp học tập hiệu quả nhất. Khi cấp quản lý tổ chức đào tạo cho đồng nghiệp và nhân viên cấp dưới, họ cũng đồng thời có cơ cơ hội xử lý các tình huống mới, tiếp xúc với những thắc mắc và quan điểm khác. Thông qua đó, các trainer sẽ có thể tự nghiên cứu và nâng chuyên môn của họ lên một tầm cao mới.
7. Nuôi dưỡng năng lực giảng dạy nội bộ
Train the Trainer không chỉ giúp nâng cao năng lực chuyên môn – mà còn hỗ trợ nuôi dưỡng khả năng giảng dạy và hướng dẫn của cấp quản lý. Lần tới, khi có nhu cầu đào tạo, doanh nghiệp đã có sẵn trong tay một đội ngũ trainer chuyên nghiệp và am hiểu về tổ chức.
8. Follow up tốt hơn
Với việc trainer là các chuyên gia nội bộ, họ có thể dễ dàng theo dõi tiến độ học tập – phát triển kỹ năng và kiến thức mới của đồng nghiệp và nhân viên hơn.
9. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu tuyển dụng
Bằng việc tạo cơ hội phát triển cho nhân viên, doanh nghiệp cũng đồng thời xây dựng thương hiệu tuyển dụng trở nên hấp dẫn hơn đối với các ứng viên tiềm năng.
Lưu ý khi áp dụng mô hình Train the Trainer
Chiến lược đào tạo giảng viên nội bộ (Train the Trainer) có nhược điểm là thiếu tính linh hoạt – do chương trình đào tạo được triển khai tập trung. Nhu cầu của các đơn vị/ phòng ban khác nhau trong tổ chức có thể không giống nhau – và thông thường, doanh nghiệp sẽ không thể đảm bảo phân bổ đủ thời gian và nguồn lực cần thiết để điều chỉnh chương trình đào tạo theo những nhu cầu riêng biệt này.
Thứ hai, các chương trình đào tạo thường được thiết kế theo hướng bài giảng tập trung – theo hình thức giảng dạy một chiều và phân phối nội dung, thiếu các hoạt động và thực hành trải nghiệm. Vấn đề này có thể được khắc phục bằng cách đầu tư thiết kế khóa học, theo sát các nguyên tắc học tập và lên kế hoạch follow up phù hợp.
*Nguồn: tham khảo từ ITD VietNam
SUCCESS Training & Coaching giới thiệu đến bạn giải pháp giúp gắn kết đội ngũ nhân viên hiệu quả:
TeamENGAGE Practitioner – Chuyên Gia Thực Hành Gắn Kết Đội Ngũ
Bạn có thể xem thêm: 03 CẤP ĐỘ TẠO ĐỘNG LỰC CHO NHÂN VIÊN